Lê Đình Bình -Tôi không muốn bán sản phẩm có hại cho sức khỏe
Chat ngay
top of page
Tìm kiếm

Lê Đình Bình -Tôi không muốn bán sản phẩm có hại cho sức khỏe

Đã cập nhật: 27 thg 3, 2023


Chào mừng mọi người đã quay trở lại podcast Sadutalk. Tập trước mình đã cùng trò chuyện với anh Phan Trung Kiên - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ Cao Thăng Long. Hôm nay mình sẽ cùng trò chuyện với anh Lê Đình Bình - Đồng sáng lập Công ty và góp phần tạo nên thành công của Sadu.


PV. Chào anh, anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân cho mọi người được biết ?

Lê Đình Bình: Chào các bạn ! Mình là Lê Đình Bình, năm nay 45 tuổi - là thành viên Đồng sáng lập nên thương hiệu Sadu.


PV. Cơ duyên nào giúp anh kết hợp với anh Kiên để thành lập nên thương hiệu Sadu?

Lê Đình Bình: Câu chuyện này nói ra thì hơi dài. Lúc đó mình còn đang làm nhân viên tiếp thị bên ngành thuốc bảo vệ thực vật. Trước ở trong trường thì mình và Kiên có biết nhau vì học cùng trường và có Hội đồng hương Chương Mỹ. Do vậy, sau khi ra trường rồi vẫn liên lạc và có nhiều cái hợp tác cùng làm ăn với nhau. Một lần vô tình mình gặp lại Kiên, trò chuyện về công việc, sau đó mình có nói với Kiên là: anh không muốn đi làm tiếp thị nữa mà anh muốn làm cái gì khác. Hai anh em ngồi nói chuyện thì được biết ở quê mình có rất nhiều đất đai, có thể trồng được rất nhiều các loại cây. Ngồi thảo luận thì hai anh em đi tìm cái hướng để hợp tác. Sau khi tìm hiểu rất nhiều lĩnh vực cây trồng như (cây đặc sản, cây nhập khẩu, cây rau rừng, các loại rau đặc sản...) sau cùng thì hai anh em quyết định là sẽ trồng cây dược liệu.


Cây dược liệu thì mình thấy là lúc đó nó đang là một trong những trào lưu rất mới. Cộng thêm là nguồn dược liệu ở Việt Nam rất là phong phú, mà còn có thể trồng được số lượng lớn. Do vậy mình mới nghĩ cách để trồng và đi tìm hiểu.


PV. Anh có thể chia sẻ cho mọi người được biết điều kiện để chọn vùng trồng cho cây dược liệu nói chung và cây cà gai leo nói riêng không?

Lê Đình Bình: Thực ra thì cây dược liệu nó có nhiều cái đặc thù. Một số loại cây dược liệu nó chỉ thích hợp với vùng núi cao và có khí hậu tuyệt đối ôn hòa. Tuy nhiên, có những loại cây dược liệu nó thích hợp với nhiều loại đất và có thể trồng được ở những nơi có điều kiện tương đối khắc nghiệt. Nói chung là nó rất khác nhau, khi mình muốn trồng hay tìm hiểu một loại dược liệu nào đấy thì mình phải nghiên cứu tương đối thật kỹ. Đơn giản là cây cà gai, chúng mình tìm hiểu thì thấy nó thích hợp với rất nhiều loại đất. Trồng ở trên đất đồi, đất lúa đều được. Chỉ có điều là cách xử lý nó khác nhau thôi. Lúc đấy cũng chưa có một quy trình cụ thể nào hay chưa có một cái sách nào dạy chính xác về quy trình trồng loại cây này. Do vậy mà chúng mình vừa làm, vừa tự mày mò và viết quy trình.


PV. Những khó khăn khi bắt đầu một sản phẩm mới là gì? Anh đã bao giờ thất bại khi đưa ra một sản phẩm mới chưa?

Lê Đình Bình: Sản phẩm mới thì nói chung có rất nhiều những nghiên cứu, phải tìm hiểu đặc tính của dược liệu. Rồi làm sao cho việc sơ chế để dược liệu không mất đi cái dược tính vốn có của nó. Cái này phải nghiên cứu rất là kỹ và thực ra mà nói thì chúng tôi phải nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều, để đưa ra được sản phẩm cũng phải nghiên cứu và thất bại rất nhiều lần mới đưa ra được sản phẩm như ý.


Đơn giản nhất là cái sản phẩm trà cà gai leo, đầu tiên là chúng tôi thử nghiệm bằng cách sao, đầu tiên khi sao chúng tôi chọn phương phap sao bằng củi. Nhưng khi số lượng tăng lên thì phương pháp sao không còn phù hợp nữa vì nó không thể nào đưa ra sản lượng lớn và nhược điểm của phương pháp sao là rất khó kiểm soát sự đồng đều của các lô trà khác nhau (ví dụ sản xuất 2 ngày khác nhau thì nó thường không đồng đều lắm). Nói chung là cũng phải thất bại tương đối nhiều lần và cũng phải bỏ đi hàng tấn nguyên liệu.


PV. Điều gì khiến anh tự hào nhất trong công việc? Anh có thể kể một kỷ niệm hay câu chuyện truyền động lực mỗi khi làm việc của anh không?

Lê Đình Bình: Điều mà mình thấy tự hào nhất là sản phẩm trà của mình được sản xuất từ cây dược liệu có thể giúp mọi người chăm sóc sức khỏe, đồng thời còn giúp người nông dân nâng cao thu nhập(điển hình như việc trồng lúa và các cây trồng khác, hiệu quả canh tác không được cao). Hiện tại người ta chuyển đất canh tác sang trồng cây dược liệu thì mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 gấp 4 lần.

.

Do vậy, điều tự hào nhất là mình giúp cho được những vùng đất nông nghiệp ở quê mình chuyển sang một hình thức canh tác mới, có hiệu quả hơn so với canh tác lúa truyền thống. Cùng với đó là sản phẩm mình làm ra được chăm sóc sức khỏe cho mọi người.


PV. Anh nghĩ mình mất bao lâu để bán được 1 tỷ cân trà?

Lê Đình Bình: Ngày đầu tiên sản xuất ra thì mình mới chỉ bán được trong 1 ngày từ 7-10kg trà. Cũng nhờ lúc đấy, cây cà gai leo đang được gọi là một trong những trào lưu mới trong dòng cây dược liệu. Do vậy, mình tăng trưởng rất nhanh có thể lên tới 500kg, thậm chí 1 tấn một ngày. Trong suốt quá trình 7 năm vừa rồi, mình bán với số lượng tương đối nhiều. Mỗi năm vài trăm tấn, mình nghĩ 1 tỷ cân trà thì mất khoảng 10 năm (cười lớn)


PV. Rất nhiều người thắc mắc là những chú gà hạnh phúc của Sadu được nghe nhạc thể loại gì vậy? Nhạc pop, ballad hay là opera, rock?

Lê Đình Bình: Nhạc dùng cho gà bên mình có nghiên cứu cùng một số hình thức chăn nuôi khác trên thế giới. Thí dụ như bò kobe nuôi cho ăn thịt hay bò Vinamilk thường được nghe nhạc và nhạc đó thường là nhạc giao hưởng và bên mình cũng cho gà nghe nhạc giao hưởng không lời. Chủ yếu các giai điệu nhẹ nhàng mang đậm chất đồng quê.


PV. Tết là thời điểm thị trường sôi động nhất trong năm do nhu cầu mua sắm của người dân đang tăng cao. Vậy Sadu đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết này như thế nào?

Lê Đình Bình: Chúng tôi chuẩn bị rất nhiều. Hàng năm, bắt đầu vào tháng 10 là chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết đối với các mặt hàng trà. Còn đối với ngành chăn nuôi chúng tôi chuẩn bị làm sao để đàn gà đấy được đúng vào đỉnh cao và khai thác chất lượng tốt nhất. Chúng tôi đã căn và tính toán thời gian để nuôi gà nó đến độ tuổi đấy.


PV. Anh có thể bật mí một chút kế hoạch trong năm tới của Sadu không?

Lê Đình Bình: Kế hoạch năm tới chúng tôi sẽ phải phấn đấu tăng trưởng ít nhất khoảng 20% doanh thu cho Sadu.


Cảm ơn anh Bình đã dành thời gian chia sẻ những kiến thức bổ ích và câu chuyện kinh nghiệm tuyệt với cho tập podcast ngày hôm nay. Sau tập podcast này mong rằng các bạn trẻ có sự yêu thích về nông nghiệp, sẽ được tiếp thêm sức mạnh, nguồn cảm hứng để tiếp tục phát triển. Chúc anh Bình và Sadu sẽ còn thành công hơn nữa. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe và cùng chờ đón các tập podcast tiếp theo của Sadu Farm nhé.



----------------------------------------------------------------------------------------------

Hotline :19008952



bottom of page
Chat ngay