Phan Trung Kiên - Khởi nghiệp "lì" và liều"? Cả vũ trụ sẽ giúp nếu bạn quyết tâm
Chat ngay
top of page
Tìm kiếm

Phan Trung Kiên - Khởi nghiệp "lì" và liều"? Cả vũ trụ sẽ giúp nếu bạn quyết tâm

Đã cập nhật: 27 thg 3, 2023

Chào mừng các bạn đã quay trở lại podcast Sadutalk. Các bạn có thấy khách mời của chúng ta hôm nay quen thuộc không? Vâng ! đó chính là anh Phan Trung Kiên - CEO của Sadu. Hôm nay chúng ta sẽ cùng trò chuyện về hành trình khởi nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm từ một đàn anh đi trước.Tuy nhiên, trước khi vào cuộc trò chuyện trong podcast ngày hôm nay, chương trình muốn mời anh Kiên 1 tách trà, anh hãy uống và đoán xem đó là trà gì?


Phan Trung Kiên: Nhìn thì hơi khó nhận biết, để anh thử nhé. Ôi! không cần uống anh cũng biết trà này chính là trà gừng rồi! Nếu em chỉ cho anh nhìn có thể anh chưa nhận ra nhưng chỉ cần ngửi mùi anh sẽ biết ngay đó là trà gừng ngay cả khi bị bịt mắt anh vẫn nhận ra.


Vâng! đó chính là trà gừng. Gừng rất đắng nhưng nó lại giúp chúng ta ổn định huyết áp lúc thấp nhất. Nó cũng giống như câu chuyện khởi nghiệp vậy, lúc lên, lúc xuống không lúc nào ổn định cho đến khi ta trải qua nhiều sóng gió, khi ấy ta mới thấy bình thường trở lại. Và đó cũng chính là chủ đề của tập Podcast ngày hôm nay. Ngay bây giờ, sẽ không để các bạn chờ lâu hơn nữa. Chúng ta sẽ cùng trò chuyện về Hành trình khởi nghiệp của anh Phan Trung Kiên - CEO của Sadu nhé.


PV. Theo như mọi người được biết, thì trà cà gai leo là trà đầu tiên mà công ty nghiên cứu và sản xuất thành công. Nói cách khác trà cà gai leo chính là "con cả", là "linh hồn" của Sadu. Trong hàng trăm cây thảo dược tại sao anh lại chọn cà gai leo mà không phải loài cây khác, phải chăng đó là một cái duyên nào đấy không?

Phan Trung Kiên: Nói nó là cái duyên cũng đúng, mà nói nó là khoa học cũng đúng. Sở dĩ nói nó là cái duyên là vì ban đầu mình định khởi nghiệp bằng cái nghề trồng rau dược liệu. Thế nhưng mà cái rau dược liệu, rau rừng thì thời gian bảo quản lại quá ngắn, lúc đấy mình chuyển ý tưởng sang trồng cây dược liệu.


Khi mình hỏi bạn bè thì mọi người đều nói đó là một cái duyên, bởi vì lúc đấy rất nhiều người đang có cái mốt trồng cây cà gai leo. Mình lúc đấy cũng chỉ đi theo mốt thôi.Thêm nữa là khi mình về hỏi mẹ thì mẹ mình nói cây này ngày xưa mẹ thường nấu cho mình uống mỗi lần mình nhậu say. Cùng thời điểm đó mình được đọc bộ tài liệu của cô Bích Thu cùng với nghiên cứu rất kỹ về cà gai leo. Phần của cô Bích Thu là phần mang tính chất khoa học. Do vậy mình tiếp cận được những tài liệu khoa học rất là đầy đủ về cây cà gai leo. Theo như tiến sĩ Nguyễn Văn Mùi: Thì cây cà gai leo là cây được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trong số cây dược liệu tại Việt Nam.


Thêm một yếu tố nữa mà nó cực kỳ quan trọng đó là cây cà gai leo có tác dụng rất nhanh. Thí dụ như anh em ngay khi nhậu uống cà gai leo thấy nó khác biệt hẳn chỉ sau tầm 30 phút thôi.


PV. Khi mà sản xuất trà anh có gặp trở ngại gì về yếu tố khách quan không? Mọi người đều ủng hộ hay gặp những ý kiến trái chiều?

Phan Trung Kiên: Kể câu chuyện này thì nó rất thú vị, những người gần mình, những người bạn bè của mình, thậm chí kể cả những người góp vốn cùng với mình, mọi người đều bảo không làm được. Thế nhưng mà ngay khi thấy mình đi sâu, mình đã quyết tâm làm rồi và mình có hỏi các chuyên gia dược liệu thì các chuyên gia dược liệu bảo rằng: Những người như mình làm trà thì tốt vì mình quản lý được từ đầu đến cuối (từ khâu gieo trồng, thu hái, chế biến và bán ra sản phẩm).


PV. Bài học xương máu mà anh đã rút ra khi mà anh phải chuyển đổi mô hình kinh doanh như thế nào?

Phan Trung Kiên: Thực ra cái bài học xương máu của mình là nếu như bây giờ mình được quay lại khởi nghiệp thì mình sẽ tính kỹ hơn. Tức là lúc đó khi mà mình chỉ có ý định là trồng cây cà để cung cấp cho các công ty dược thôi, mà không hề nghĩ đến việc mình tạo ra sản phẩm. Thế nhưng mà sau này khi mà thị trường nguyên liệu cây cà gai leo lao dốc xuống thì bắt buộc mình phải làm và khởi nghiệp trong tình trạng mò mẫm. Tức là đi đến đâu hay đến đấy và toàn làm theo kiểu giải pháp tình thế (khi không bán được nguyên liệu ra mới bắt đầu nghĩ đến sản xuất trà). Như vậy nếu tiếp tục được như thế sẽ có rất nhiều rủi ro xảy ra.


PV. Theo anh thì yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình khởi nghiệp? Anh có bí quyết gì để đạt được thành tựu như ngày hôm nay không?

Phan Trung Kiên: Thực ra trong hành trình khởi nghiệp thì mọi người hay nói đến câu ở Việt Nam thì phải "lì" và "liều". Thế nhưng mình nếu được khuyên mọi người thì mình khuyên mọi người chỉ lấy 1/2 số đấy thôi. Tức là "lì", tại sao lại phải"lì" bởi vì khi chúng ta khởi nghiệp thì gần như không có ai có tất cả. Tức là khi chúng ta khởi nghiệp thì gần như không phải chúng ta ai cũng có trăm triệu đô để mà setup một cái công ty đúng chuẩn. Mà chúng ta sẽ khởi nghiệp từ đầu, thậm chí là thương hiệu chưa có, thậm chí là nhân viên còn chưa có. Bắt đầu làm từ con số 0 đi lên, chúng ta không đủ kiến thức, chúng ta không đủ tài chính, chúng ta không đủ mối quan hệ, chúng ta không đủ tất cả mọi thứ... Thì bắt buộc chúng ta phải "lì". Khi mà mình quyết tâm làm 1 cái gì đấy thì người xung quanh sẽ giúp ta, nếu mà nói về sách vở thì người ta sẽ nói là "vũ trụ sẽ giúp chúng ta", như vậy nó sẽ mở ra nhiều hướng hơn.


Chia sẻ của anh Phan Trung Kiên - CEO Sadu "Cả vũ trụ sẽ giúp nếu bạn quyết tâm"

Còn tại sao lại khuyên là mọi người không được "liều", vì rất nhiều người "liều" xong thì hỏng. Bởi vì khi cái khả năng quản lý tài chính của chúng ta, năng lực của chúng ta mới chỉ đủ làm quy mô tầm nhỏ, hay quy mô quản lý tầm hai, ba người thôi mà chúng ta mở bung ra một cái, chúng ta vay tiền, mở bung ra tầm 20 người hay 50 người, chúng ta đầu tư vào đấy hàng chục tỉ đồng thì đến lúc khi mà sau này chúng ta sai sót sẽ rất rễ mất tiền. Sau này khi chúng ta quay lại thì chúng ta có một đống nợ rất lớn, chúng ta phải trả giá rất là đắt, thậm chí không thể gượng dậy được. Đó cũng chính là lý do tại sao tôi khuyên các bạn "lì" nhưng không được "liều". Đây cũng chính là bí quyết để mình có đươc thành công như ngày hôm nay.


PV. Theo anh thì khi nào khởi nghiệp là phù hợp? Thí dụ như các bạn trẻ bây giờ tầm 23 tuổi có rất nhiều đam mê và hoài bão thì người ta nói độ tuổi từ 18 đến 25 là độ tuổi rất là mơ mộng, năng động. Vậy nếu các bạn trẻ khởi nghiệp bây giờ thì cần lưu ý những gì? anh có thể chia sẻ cho mọi người được biết không?

Phan Trung Kiên: Thực ra thì cái này mình ko đưa ra lời khuyên đối với các bạn trẻ mà mình chỉ đưa ra một số các vấn đề mà mình đã trải qua rồi mình thấy. Thí dụ trong độ tuổi từ 18 đến 25 thì thường là chúng ta đang thấy cuộc sống rất là vui vẻ. Theo mình thì nếu là mình thì mình sẽ vẫn đi chơi, đi làm học hỏi mọi thứ, thậm chí 25 tuổi nếu bây giờ cho quay lại mình cũng sẽ chưa khởi nghiệp. Bởi vì mình khởi nghiệp rất là sớm, khi 24 tuổi là mình đang đi làm công ty mình bỏ về bắt đầu khởi nghiệp từ những quán photo, thực sự lúc đó mình thấy rất vất vả. Nếu cho mình khởi nghiệp từ bây giờ mình cũng sẽ học hỏi và đến tầm 35 tuổi thì mình sẽ khởi nghiệp.


Ở các nước phát triển, người ta khuyên tầm 40-45 tuổi thì mới bắt đầu khởi nghiệp. Tại vì ở các nước đó thứ nhất vì cái cơ hội khởi nghiệp nó không còn nhiều như ở Việt Nam. Các Tập đoàn lớn gần như người ta ke mọi thứ, mọi mảng rồi. Nó không còn cơ hội nhiều lắm nữa. Đến tầm tuổi đó, thậm chí chúng ta có khả năng tài chính, có mối quan hệ, có kiến thức thật nhiều thì khởi nghiệp mới dẫn đến thành công. Thế nhưng ở Việt Nam, tầm 45 tuổi thì nó đã gần về già rồi. Mình nghĩ ở Việt Nam khởi nghiệp tầm 35 tuổi là hợp lý.


Tuy nhiên, không phải những người tầm 23 -25 tuổi là không nên khởi nghiệp. Các bạn trẻ hoàn toàn có thể khởi nghiệp nếu như các bạn thấy năng lực của mình đủ, nhưng mà phải suy sét thật kỹ, đặc biệt nữa là cơ hội. Nếu các bạn thấy cơ hội của mình sau khi xem xét rất kỹ rồi mà thấy nó đúng là một cơ hội tốt và bạn cảm thấy tự tin vào bản thân thì mình khuyên các bạn vẫn nên khởi nghiệp.


Pv. Đam mê cũng là yếu tố không thể thiếu để dẫn đến thành công ở bất cứ lĩnh vực nào. Trong kinh doanh có câu nói là "đam mê của bạn là vì người khác" anh cảm thấy câu này có đúng ko? Tại sao anh cho rằng như vậy?

Phan Trung Kiên: Câu này thì mình thấy nó hoàn toàn đúng, mà đối với những ai mà có ý định khởi nghiệp thì phải khắc cốt ghi tâm điều này. Có 2 yếu tố dẫn đến câu này đúng mà những người khởi nghiệp cần nhớ:


Thứ nhất: vì chính bạn thôi, vì cái sản phẩm bạn làm ra bạn cứ chăm chăm bán hàng, kiểu như kiếm tiền từ khách hàng về mình thôi thì nó không đem lại giá trị cho người mua thì chẳng ai ủng hộ bạn cả. Còn nếu như các bạn làm sản phẩm mà các bạn luôn chú tâm đến khách hàng, luôn chú tâm vào cộng đồng thì đương nhiên là cộng đồng và khách hàng sẽ ủng hộ bạn. Ủng hộ bằng cách mua hàng cho bạn, dẫn đến lợi nhuận và doanh số của bạn tăng, công ty sẽ phát triển.


Thứ hai: Phải khởi nghiệp vì người khác thì nó mới lớn được. Vì khi bạn kiếm được vài tỉ rồi, bạn bắt đầu mua nhà, mua xe. Nếu như một cá nhân mà vì mình thì như thế là đủ rồi, khi đó bạn sẽ không muốn phấn đấu nữa. Thế nhưng khởi nghiệp vì người khác, vì sự cống hiến cho xã hội thì lúc đấy nó mới là lúc thăng hoa nhất, bởi vì lúc đấy không còn phải lo cơm, áo, gạo tiền thì bạn sẽ sống cho người khác thì khi ấy bạn mới quyết định được cách làm việc tốt nhất cho công ty phát triển nhanh.


Pv.Theo như em được biết thì những doanh nghiệp truyền thống đang đi chậm hơn trong thời buổi kinh doanh online. Em thấy Sadu cũng đã xuất hiện ở đa nền tảng như là: Facebook, shopee, lazada, gần đây còn cả Tiktok nữa. Vậy làm thế nào để Sadu bắt kịp xu hướng kinh doanh như vậy?

Phan Trung Kiên: Thật ra thì đây là con đường mà mình nghĩ là bắt buộc, những thế hệ các anh chị tầm 6x, 7x đời đầu thì khi ấy phải đến tầm này rồi các anh chị có kênh truyền thống (offline) rất là lớn, nó vững rồi thì nó dễ. Chứ còn tầm 8x đời đầu như mình và các bạn đặc biệt thế hệ 9x và các bạn trẻ sau này thì bắt buộc phải dùng thành thạo các nền tảng là online thì mới phát triển được. Bởi cái chi phí bán hàng online đa kênh như thế thì bán hàng rất là dễ. Đơn cử như các bạn thấy trước đây cái người sản xuất để bán hàng cho người tiêu dùng thì nó phải qua 3 -4 lần trung gian như: Công ty là phải qua đại lý cấp 1, đại lý cấp 1 lại phải đến tạp hóa và từ tạp hóa mới đến người dùng. Khi đi theo cái kênh đấy thì có 2 vấn đề xảy ra:


Một là đi qua nhiều trung gian như thế thì làm giá thành sản phẩm đội lên rất là nhiều. Nếu như mà đáp ứng được cái phần trăm chiết khấu cho người bán hàng qua 3 đến 4 kênh như thế thì người tiêu dùng phải mua cái giá rất đắt.


Cái thứ hai là nếu như giá cho người tiêu dùng phù hợp thì giá phần trăm cho các kênh phân phối nó lại ít quá. Do vậy không ai muốn bán hàng cho mình.


Thêm nữa khi mà đi qua 3-4 kênh như thế thì cái phản hồi của khách hàng nó lại không đến được với chúng ta ngay mà cái phản hồi đấy nó thường không đúng, khi khách hàng phản hồi rất là thật (Thí dụ: như sản phẩm không chất lượng, hương vị này tôi không thích, màu này tôi không thấy đẹp mắt...Thế nhưng mà đi qua các kênh phân phối hẳn hoi thì phần trăm thấp quá, dẫn đến nó xung đột về mặt lợi ích cho nên bắt buộc doanh nghiệp phải làm như vậy để bắt kịp xu thế.


Pv.Với các nền tảng mạng xã hội rất năng động, rất giới trẻ như vậy thì bằng cách nào Sadu có thể vận hành tốt trên các nền tảng?

Phan Trung Kiên: Thì đơn giản thôi, thế hệ 8x đời đầu của mình bây giờ có vẻ hơi già một chút so với công việc đấy rồi. Cách duy nhất là chúng ta phải sử dụng người trẻ thôi. Nếu các bạn đến công ty mình thì sẽ thấy là ở trong đội ngũ văn phòng không có ai nhiều tuổi hơn mình. Tất cả là 9x thậm chí là 95, 97 rất nhiều. Các bạn trẻ các bạn ấy có sự năng động, được đào tạo bài bản rất nhiều so với các thế hệ của mình trước đây. Do vậy, Sadu phải sử dụng người trẻ để giải quyết được các việc đó.


Pv.Có rất nhiều các bạn trẻ muốn khởi nghiệp nhưng mà mạng lưới và mối quan hệ quá ít, điển hình như các bạn có tính hướng nội. Điều này có phải là rào cản lớn khi mà khởi nghiệp hay không? Lời khuyên của anh dành cho các bạn ấy là gì?

Phan Trung Kiên: Mình nghĩ đấy vừa là yếu điểm vừa là lợi thế. Sở dĩ các bạn mà năng động, thích quan hệ xã hội rộng thì thường thường khi mà khởi nghiệp ban đầu sẽ thuận. Bởi vì có mối quan hệ sẽ được nhiều người giúp. Thế nhưng mà khi lên 1 tầm cao thì chính những người đấy, hoặc thậm chí là chính những người đấy nếu mà năng động thì nó có nhiều giải pháp quá. Nó không chú tâm vào mục tiêu.


Nếu như các bạn đi khu vui chơi trong Miền Nam các bạn sẽ thấy con ngựa của người ta để kéo người đi qua đi lại thì thấy người ta hay có 1 cái mũ mà nó che hai bên như thế này. Mục tiêu mà mình hỏi vì sao thì những người đánh xe ngựa ngườ ta nói để cho con ngựa nó không liếc qua hai bên. Nó chỉ nhìn đường thôi và nó đi như thế thì hiệu quả sẽ cao hơn.


Với người khởi nghiệp cũng vậy, nếu có quá nhiều mục tiêu, quá nhiều phương án lựa chọn thì lúc đấy bạn sẽ không tập trung vào một mục tiêu dẫn đến sẽ bị sao nhãng. Những người hướng nội thì thường sẽ có suy nghĩ sâu và người ta kiên trì 1 mục tiêu hơn so với những người hướng ngoại.


Pv. Anh có thể gửi 1 lời động viên đến các bạn trẻ đã và đang trên hành trình khởi nghiệp không?

Phan Trung Kiên: Thực ra thì mình có thể chia sẻ cho mọi người như thế này. Chúng ta đang ở trong cơ hội phải nói là ngàn năm có một. Bởi vì bây giờ nếu như chúng ta sống và sinh ra ở Châu Âu thì mình nghĩ là cơ hội khởi nghiệp phải thấp hơn ở Việt Nam khoảng vài trăm lần. Bởi vì lúc đấy, các Tập đoàn lớn, các hãng lớn người ta đã có hàng vài trăm năm rồi. Người ta ke quá kỹ (Tức là có bao nhiêu nhu cầu của xã hội người ta đều làm hết rồi). Do vậy cơ hội rất là ít, còn ở Việt Nam đang là nước có tốc độ phát triển rất là nhanh. Như các bạn đọc báo thì thấy Việt Nam đang là 1 trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới rất nhiều năm nay rồi. Trong tương lai chúng ta có thể vượt qua rất nhiều nước đang có sự phát triển hơn chúng ta như: Malaysia, Indonesia có thu nhập hơn chúng ta rất là nhiều. Nhưng mà các chuyên gia kinh tế đều đánh giá là Việt Nam có cơ hội nhiều hơn trong việc vượt qua các nước đó. Mình nghĩ là các em giới trẻ ở nước ta hiện nay cực kỳ may mắn khi có rất nhiều cơ hội khởi nghiệp dành cho các bạn phát triển.


Hành trình khởi nghiệp nào cũng đầy khó khăn nhưng mình tin rằng các bạn khởi nghiệp sẽ cố gắng, cứ nỗ lực thì thành công sẽ mỉm cười. Cảm ơn anh Kiên đã dành thời gian chia sẻ những kiến thức bổ ích và câu chuyện kinh nghiệm tuyệt vời cho tập podcast ngày hôm nay. Qua những câu chuyện và lời khuyên từ anh, mình mong rằng các bạn trẻ sẽ có thêm động lực và kiến thức ngay cả khi đang khởi nghiệp. Chúc các bạn thành công. Chúc Sadu và anh Kiên ngày càng phát triển hơn nữa. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe và cùng chờ đón các tập podcast tiếp theo của Sadu Farm nhé.



----------------------------------------------------------------------------------------------

Hotline :19008952




bottom of page
Chat ngay