Chat ngay
top of page
Tìm kiếm

Nhân sinh như 3 chén trà: Đắng tựa cuộc đời, ngọt tựa ái tình và nhạt như gió thoảng

Đã cập nhật: 28 thg 7, 2022


Nhân sinh ví như ba đạo trà: đạo thứ nhất, đắng khổ tựa cuộc đời; đạo thứ hai, ngọt tựa ái tình; đạo thứ ba, nhạt như gió thoảng…

Đối với những ai yêu trà và biết thưởng trà thì từ lâu người ta đã không coi trà chỉ đơn thuần là một thức uống, mà xem nó giống như biểu hiện của bách thái nhân sinh: đối với mỗi người khác nhau có tâm thái khác nhau…


Trà như bách thái nhân sinh


“Pha trà, biết tâm tính Uống trà, biết ý vị Luận trà, biết tâm tư”


Trà như thơ: có uyển chuyển hàm xúc, có phóng khoáng ngang tàng; trà cũng như thư pháp: có đầy đặn như “khuôn trăng”, có thanh mảnh cứng cáp như “liễu cốt”, có quy củ như Lệ Khải, có mãnh liệt phóng khoáng như “Điên Trương Cuồng Tố”. Mỗi người lại bởi vì mỗi nguyên nhân khác nhau mà thích trà, vì thanh đạm, vì ngọt hậu, vì đắng cay, vì nhẹ nhàng, vì hồi vị…


Đối với người yêu trà, trong tâm họ đã từ lâu trà không chỉ đơn thuần là trà nữa, mà được xem như những cung bậc của cuộc sống, đối với mỗi người khác nhau có tâm thái khác nhau.


Trà với mỗi người như có mối duyên phận vô hình mà sâu xa. Có vô vàn loại trà: trà xanh, hoàng trà, bạch trà, thanh trà, hồng trà, hắc trà… trà theo vùng, các danh trà nổi tiếng không thể nào kể hết. Còn có đủ kiểu, đủ quy tắc, cách thức về pha trà, thưởng thức trà… Cho dù là bất kể nói đến loại nào, thì từng người yêu trà sẽ có cách riêng của mình để mà thưởng thức, để mà bình phẩm. Yêu trà là sự yêu thích được phát ra từ tận trong tâm, mỗi người cũng đều có thể tự thưởng thức một chén trà.


Trân quý ly trà ngon, đợi chờ người tri kỷ. Trong mắt người yêu trà, mỗi một loại trà đều có một phẩm chất khác nhau, mà mỗi người yêu thích loại trà nào, còn phải tùy thuộc vào sở thích cá nhân của người đó, tùy thuộc tâm tình vào thời khắc thưởng trà của mỗi người, mỗi loại trà khác nhau, ở những thời khắc khác nhau sẽ gây cho người thưởng thức trà những cảm thụ và lý giải khác nhau. Một bình trà ấm áp tỏa hương thơm ngát bầu bạn bên cạnh khiến cho ta cảm thấy duyên phận cuộc đời càng trở nên ý vị.


Có người yêu thích trà, cũng có kẻ si mê trà, gặp được chút trà ngon thì tâm tình vui sướng hân hoan; bỏ lỡ một vị trà ngon thì tâm tình cũng giống như ngày mưa buồn gió thổi. Người yêu trà, uống trà, cũng sẽ là tự mình chung tình cùng trà, cũng là một đời theo đuổi, kiếm tìm trà.



Trà chính là duyên phận của cuộc đời


“Một mình uống là thần Hai người uống là cảnh đẹp Ba bốn người uống là hứng thú”…


Uống trà vốn là một loại thưởng thức làm cho cả thể xác và tinh thần đều thư thái, hạnh phúc. Khi bắt gặp cảnh chỉ có một người ngồi uống trà thôi, cũng có thể cảm nhận được cái không gian an tĩnh, nhưng lại khuyết thiếu một điều gì đó. Vài ba người cùng một chỗ uống trà đàm luận mang đến cảnh sắc sinh động, tươi vui, càng làm hương vị trà thêm phần tươi mát. Có đôi khi nâng chén trà thơm, tâm tư lại nhớ đến người, loại cảm giác này càng thêm khắc sâu, thấm đẫm trong tim. Vậy nên người ta mới có câu: “Chè tam rượu tứ”.


Uống trà càng lâu, yêu trà càng sâu thì khả năng lý giải càng sâu sắc, càng hiểu được nhiều đạo lý cuộc sống, như vậy thì trên thực tế có loại trà ngon – dở chăng?


Bất quá có một số trà là dùng phương thức thô châm đun nấu bằng bình to lửa lớn, có một ít trà lại dùng ấm nhỏ, dùng tâm tư cẩn thận, từ từ pha tới, cũng có một ít trà dùng phương thức trân quý, ấm ngọc tách ngà mà pha nên…


Bất kể là được pha bằng phương thức nào, người yêu trà phẩm trà trong những tình huống khác nhau thì sẽ có những cảm thụ về trà cũng khác nhau.



Tinh tế mà suy ngẫm về trà, kỳ thực nhiều khi không thể nào phân ra được thế nào là ngon – dở, sang – hèn. Ngày ngày pha trà, uống trà, cứ thế dần dần rồi cũng hiểu được, trà ngon chân chính không phải cất chứa ở trong nhà chúng ta mà là ở trong chính lòng của chúng ta, ở trong cảm nhận của chúng ta, trà ngon chính là lúc cùng tri kỷ nâng chén thưởng trà, nhâm nhi từng chút rồi hàn huyên, chia sẻ về cuộc sống. Cái loại cảm giác chân thật này mới là tươi đẹp, đây mới là chân chính cảm thụ đến cảnh đẹp an tĩnh trong hưởng thụ trà.


Càng thưởng thức trà, tâm tình càng tốt đẹp, theo đó hương trà liền càng đậm. Tay nâng ly trà, tâm tư gửi đến người, cùng người uống, nước trong pha trà, nhìn những lá trà quay cuồng chuyển động trong bình, vị trà chậm rãi thêm đậm đà, nước trà đong đầy chén nhỏ, lan tỏa hơi ấm, rồi từ từ nâng chén nhấp môi, lại dần dần trở thành đậm nhạt, bình thản mà tận hưởng dư vị. Cái loại hơi thở ôn hòa đầy sức sống này làm cho người ta cảm thấy được sự hòa hợp, khoan khoái, khiến người mê luyến, cho dù lẳng lặng không lời, cứ như vậy mà uống cũng là cảnh đẹp ý vui.


Dù sao có đôi lời, nếu là người hữu duyên sẽ nghe được, nếu là người vô duyên cho dù cùng họ có nói nhiều hơn nữa cũng là vô nghĩa. Người hữu duyên cùng ta, thì sự tồn tại của ta có thể sẽ đánh thức toàn bộ cảm giác của người.


Bởi vì, chỉ một lần gặp gỡ, nếu là duyên, thì chính là suốt đời gần nhau.



Nhân sinh như ba đạo trà


Một chén trà xanh an ủi năm tháng, tìm chút an nhàn ngâm thơ thưởng họa. Ngồi đếm thời gian, lắng nghe năm tháng, thời khắc trôi đi, nhưng lòng an tĩnh, luyến tiếc nửa ngày nhàn rỗi, có thể hiểu rõ rằng trong cuộc sống vội vàng kia thật khó có được một phần thư thái. Có lúc một chén trà xanh ấm nóng, tâm tư thả theo từng làn hương trà lượn lờ mà bay bổng, thực là trà xanh một chén cũng say lòng người.


Nhân sinh ví như ba đạo trà: đạo thứ nhất, đắng khổ tựa cuộc đời; đạo thứ hai, ngọt tựa ái tình; đạo thứ ba, nhạt như gió thoảng.


Nhân sinh biến ảo chìm nổi, yên lặng nhấp một chén trà tâm nhập thiện cảnh: sáng tỏ lý nắm không được thì buông bỏ được. Thời gian giống như ngọn gió thoảng qua, những mộng ước năm xưa cuối cùng thành dĩ vãng, sóng gió trong đời dù mãnh liệt, cuối cùng cũng lặng lẽ xếp gọn vào một góc của nội tâm chính mình.


Mang trái tim năm ấy ngâm vào trong chén trà, cảm nhận đến vị ngọt bùi của nó, chính là uống cạn đắng cay mới nếm đến ngọt lành. Trong tim gieo đầy mầm xanh, thì mùa xuân không còn cách xa nữa.


Rượu có thể hâm nóng nhất thời, nhưng trà thì lại có thể ấm áp một đời. Nhân sinh nhất định là gập ghềnh, nhất định sẽ trải qua mưa gió trắc trở, cho nên nhất định trong gập ghềnh trắc trở mà cần giữ được tâm bình tĩnh.


Thưởng thức trà, như nếm trải ngũ vị nhân sinh, như nếm hương vị của sinh mệnh. Một nén hương, một ly trà chính là duyên trọn cuộc đời.


“Duyên, là trà Duyên, cũng là người Vì không gặp được, mới sinh tình Đưa tình vào trà, mới hiểu ra”…


Nâng chén trà, lòng đầy hoài niệm


Bên bàn trà, nước trà ấm áp, từ từ uống vào. Có chút tâm sự thật khó giãi bày, lại vì trà thấm nhập mà tiêu tán muộn phiền. Trong yên lặng mà hoài niệm, lắng đọng lại trong hương trà, kia rõ ràng là trong mộng, ta luôn ở bên người.


Trong hồ, sen đã tàn úa, còn chút hoa đỏ điểm lên mặt hồ như hư ảo, ta mãi ở nơi này, giữ ấm trà ngon chờ người. Một chiếc lá rụng, theo gió nhảy múa, ta lặng nghe tiếng gió.


Thời gian như gió thu lướt qua khóe mắt, thổi tung mái tóc, là khoảng thời gian đẹp đẽ an bình, vì lòng còn nhớ thương, còn chờ mong nên sẽ không khiến cho ta cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo.

Đêm dài vắng lặng, gió lạnh đìu hiu. Muốn viết câu thơ cuối cùng không thể hạ bút. Chuyện xưa ẩn hiện như góc tường lạnh lẽo tối tăm, muốn nói nhưng lại thôi.


Một chén trà uống đã nguội lạnh, ngoài cửa sổ mưa đêm rả rích, thấm ướt một mảnh tâm tư. Ta ở đầu phương bắc, người ở cuối trời nam, đến cùng vẫn cách nhau cả một vùng mây nước.

Bờ tường dây leo vẫn quấn quýt xanh tươi. Mây trôi trong đêm tối xa vời, vươn tay chạm vào làn gió nhẹ ngỡ như chạm vào hạnh phúc. Ngoái đầu nhìn lại, ở đâu ta cũng như nhìn thấy hình bóng người. Lặng im, lặng im, chỉ nhìn nhau mỉm cười. Người nào có nói xa cách mà ta cũng không hề nói hẹn gặp lại.


Năm tháng trôi qua như nước, đẹp đẽ và rạng ngời, cũng như chúng ta, ánh mắt chan chứa mây nước ngóng trông. An nhiên, đong đầy. Ấm áp một chén trà xanh, chờ người theo hương mà đến nơi này.



Có một loại hạnh phúc giản dị như trà


Hiểu được tâm ý của người mà thuận theo đó là trà ý nhân sinh, là một loại đại khí, là một loại mênh mông vô ngần.


Trà thanh tịnh, tâm bình thản. Dùng tâm bình thản cảm nhận thanh tịnh trà, dùng thanh tịnh trà để nuôi dưỡng tâm bình thản. Cũng giống như “Tâm ngoại vô Phật”, trà đạo cũng không mang nhiều lý luận cao thâm. Dụng tâm pha trà, dùng chân thành tha thiết đối người, hương thơm quẩn quanh phiêu tán, dư hương cùng chờ đợi vĩnh viễn không tản mất.


Làn hương thấm đẫm hoài niệm, nào biết được người từ buổi ban sơ, trà vị thấm ướt như dòng lệ, nhẹ nhàng len vào, ấm áp lan tràn đầy ngập cõi lòng. Từng một thời hoa bướm rực rỡ, từng một thời khắc cốt ghi tâm…


Đúng vậy, có một loại hạnh phúc giản dị như trà. Uống trà như là một cách thể hiện tâm tình đối với cuộc sống, pha một ly trà, cảm thụ hương vị tự nhiên toát ra từ lá trà, bỗng thấy lòng an nhiên trước bao ồn ào cuộc sống.


-Nguồn : Internet

49 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page